Courageous (lớp tàu sân bay)
Courageous (lớp tàu sân bay)

Courageous (lớp tàu sân bay)

Lớp tàu sân bay Courageous, đôi khi còn được gọi là lớp Glorious, là lớp nhiều chiếc tàu sân bay đầu tiên phục vụ cùng Hải quân Hoàng gia Anh Quốc. Ba chiếc trong lớp Courageous, GloriousFurious nguyên được đặt lườn như những "tàu tuần dương hạng nhẹ lớn" (tàu chiến-tuần dương) để sử dụng cho Kế hoạch Baltic trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Mặc dù là những tàu chiến rất nhanh, việc chỉ có vỏ giáp tối thiểu và ít khẩu pháo đã giới hạn hoạt động của chúng cùng Hải quân Hoàng gia sau chiến tranh, và được đưa về lực lượng dự bị. Chúng được kể là những tàu chiến chủ lực theo những quy định của Hiệp ước Hải quân Washington năm 1922 và được tính vào tổng tải trọng cho phép của Hải quân Hoàng gia. Thay vì phải tháo dỡ, Hải quân Anh chọn cải biến chúng thành những tàu sân bay như được Hiệp ước cho phép.Vốn đã được cải biến một phần trong chiến tranh, Furious bắt đầu cải biến thành tàu sân bay vào năm 1921 ngay cả trước khi Hiệp ước có hiệu lực. Nó có một sàn cất-hạ cánh kéo dài ba phần tư chiều dài con tàu; và để tối thiểu hóa sự nhiễu loạn không khí, nó hoàn toàn không có cấu trúc thượng tầng hay "đảo". Điều này không hoàn toàn thỏa đáng nên một đảo nhỏ được bổ sung vào năm 1939. Một vấn đề khác là nó không có một ống khói truyền thống; thay vào đó, hơi thoát ra từ các nồi hơi được dẫn dọc theo mạn tàu rồi thoát ra qua những ô lưới sắt ở đuôi tàu hoặc bên mạn tàu nếu con tàu đang tiến hành quá trình hạ cánh. Những ống dẫn dài làm giới hạn chỗ chứa máy bay, và hơi thoát ra vẫn ảnh hưởng đến máy bay hạ cánh do sự nhiễu loạn không khí. Những chiếc nữa chị em Courageous và Glorious bắt đầu được cải biến thành tàu sân bay khi Furious sắp hoàn tất. Chúng sử dụng những kinh nghiệm mà Hải quân Hoàng gia có được kể từ khi Furious được thiết kế, và bao gồm một đảo cấu trúc thượng tầng và một ống khói, tăng dung lượng chứa máy bay thêm một phần ba và an toàn hơn khi hạ cánh.Là chiếc tàu sân bay lớn (còn gọi là tàu sân bay "hạm đội") đầu tiên được hoàn tất của Hải quân Hoàng gia, Furious được sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá kỹ thuật vận hành và hạ cánh máy bay, bao gồm việc hạ cánh ban đêm lần đầu tiên vào năm 1926. Courageous trở thành tàu chiến đầu tiên của Hải quân Hoàng gia bị mất trong Chiến tranh Thế giới thứ hai khi nó trúng ngư lôi từ một tàu ngầm U-boat Đức vào tháng 9 năm 1939. Glorious truy đuổi không thành công thiết giáp hạm bỏ túi Đức Admiral Graf Spee tại Ấn Độ Dương vào năm 1939; rồi tham gia Chiến dịch Na Uy năm 1940 nhưng bị các thiết giáp hạm Đức ScharnhorstGneisenau đánh chìm vào tháng 6 khi được phép quay trở về nhà một cách không khôn ngoan với sự hộ tống tối thiểu. Furious trải qua những tháng đầu tiên của chiến tranh săn đuổi tàu cướp tàu buôn và hộ tống đoàn tàu vận tải trước khi bắt đầu hỗ trợ lực lượng Anh tại Na Uy. Nó trải qua phần lớn năm 1940 tại vùng biển Na Uy tấn công các cơ sở và tàu bè Đức, rồi phần lớn năm 1941 vận chuyển máy bay đến Tây Phi, GibraltarMalta trước khi được tái trang bị tại Hoa Kỳ. Nó tiếp tục vận chuyển máy bay đến Malta trong thành phần các đoàn tàu vận tải Malta trong năm 1942 rồi hỗ trợ trên không cho lực lượng Anh trong Chiến dịch Torch. Nó trải qua phần lớn năm 1943 huấn luyện cùng với Hạm đội Nhà nhưng cũng thực hiện nhiều cuộc không kích nhắm vào thiết giáp hạm Đức Tirpitz và các mục tiêu khác tại Na Uy vào năm 1944. Tuy nhiên Furious đã trở nên cũ kỹ và lạc hậu; và với sự có mặt của nhiều tàu sân bay mới, nó được đưa về lực lượng dự bị vào tháng 9 năm 1944 trước khi bị loại bỏ vào năm tiếp theo, và được bán để tháo dỡ vào năm 1948.